Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực: hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Ngày 27/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2018 thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ.
Một số nội dung liên quan:
- Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới) sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
- Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
- Đối với hành vi xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không tuân thủ quy hoạch đô thị, không có giấy phép xây dựng theo quy định hoặc sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng .
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với việc không gửi văn bản thông báo ngày khởi công cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình và cơ quan cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định.
- Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi (không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng hoặc lưu trữ không đầy đủ danh mục tài liệu theo quy định; không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định)...
Về thẩm quyền xử phạt:
- Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được phạt tối đa đến 10.000.000 đồng và 100.000.000 đồng đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) đối với lĩnh vực xây dựng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng và Chánh thanh tra Sở Xây dựng có quyền xử phạt đến 100.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm bằng ½ mức phạt tiền so với tổ chức vi phạm.
Ngoài ra nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Để đảm bảo trật tự xây dựng trong các Khu công nghiệp, các Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, Chủ đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp cần thực hiện nghiêm chỉnh trình tự thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo việc xây dựng đúng với quy hoạch được duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
BBT
Vui lòng nhấn vào đây để tải toàn văn 139/2017/NĐ-CP